Begin typing your search above and press return to search. Press Esc to cancel.

Dấu hiệu người có ý định tự tử


Một người luôn miệng nói về cái chết, bỗng nhiên lập di chúc và cho đi các tài sản quý giá, chào tạm biệt hay thu mình, đột nhiên bình tĩnh sau thời gian khủng hoảng... có thể người ấy muốn từ giã cuộc đời. 

Hầu hết người có ý định tự tử đều biểu lộ những dấu hiệu mà nếu nhận ra chúng ta có thể giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng.

[Caption]

Trò chuyện, lắng nghe là cách tốt nhất để giúp một người đang có ý định tự tử. Ảnh: sadlightsreview.com.

Theo Help Guide, các dấu hiệu thông thường của người có ý định tự sát bao gồm:

Nói về tự tử: Bất cứ chủ đề nào liên quan đến tự tử, tự làm đau, cái chết; nói những câu như "tôi ước mình chưa từng sinh ra", "nếu tôi có thể gặp bạn lần nữa" hoặc "tôi chết đi thì tốt hơn".

Tiếp cận các phương tiện nguy hiểm: Cố gắng sở hữu dao, súng, thuốc ngủ hoặc các vật dụng có thể gây thương vong.

Bận tâm đến cái chết: Tập trung bất thường về cái chết hoặc bạo lực. Viết chuyện, thơ, văn về chủ đề này.

Mất hy vọng về tương lai: Cảm giác bất lực, vô vọng và bị mắc kẹt, không có lối thoát. Tin rằng mọi thứ sẽ không khá hơn.

Tự ghét bản thânCảm giác vô dụng, xấu hổ và thù hận chính mình, giống như "mọi người sẽ tốt hơn nếu không có tôi".

Giải quyết công việc: Lập di chúc, cho đi các tài sản quý giá, thu xếp cho các thành viên trong gia đình.

Chào tạm biệt: Đột ngột gọi điện hoặc đến thăm người thân, gia đình; chào tạm biệt như thể sẽ không gặp lại nữa.

Thu mình: Tách mình ra khỏi xã hội, tự cô lập, chỉ muốn ở một mình. 

Tự hủy hoại: Sử dụng rượu, ma túy; lái xe không cẩn thận; sex bừa bãi; chuốc lấy các rủi ro một cách không cần thiết.

Đột nhiên bình tĩnh: Trở nên bình thản, hạnh phúc sau một thời gian dài trầm cảm.

Nếu phát hiện người thân có những dấu hiệu trên, bạn nên:

Nói chuyện: Trò chuyện thẳng thắn với bạn bè hoặc thành viên gia đình về suy nghĩ tự sát là điều khó khăn với tất cả mọi người, tuy nhiên đây là cách tốt nhất để giúp họ. Bạn sẽ không khiến ai đó tự tử chỉ vì cho thấy sự quan tâm. Trái lại, bạn sẽ mang đến cơ hội để họ được giãi bày, làm vơi bớt nỗi cô đơn và cảm xúc tiêu cực.

Bạn có thể bắt đầu cuộc đối thoại bằng những câu như:
- Gần đây tôi thấy lo lắng cho bạn.
- Dạo này tôi thấy bạn có gì đó khác, không biết bạn thế nào rồi.
- Tôi muốn hỏi vì dường như bạn không còn là chính mình.

Tiếp đến, hãy đặt những câu hỏi như:
- Bạn cảm thấy như vậy từ bao giờ?
- Có chuyện gì xảy ra khiến bạn cảm thấy như thế?
- Tôi có thể làm gì để giúp bạn?

Sau đó, hãy đưa ra những lời động viên:
- Bạn không một mình đâu, có tôi ở đây.
- Bạn có thể không tin, nhưng rồi cảm xúc của bạn sẽ thay đổi.
- Tôi có thể không hiểu hết những gì bạn đang trải qua, nhưng tôi quan tâm đến bạn và muốn giúp đỡ.

Trong trường hợp bạn nản lòng, hãy kiên nhẫn và cho bản thân thời gian. Lưu ý, hãy lắng nghe và cảm thông chứ đừng phán xét, tranh luận. Thận trọng khi hứa giữ bí mật vì rất có thể bạn sẽ phải phá vỡ lời nói của mình.

Đề nghị giúp đỡ

Song song với việc trò chuyện, bạn có thể thực hiện những điều dưới đây để giúp đỡ người thân của mình.

Nhờ sự trợ giúp của chuyên gia: Hãy làm mọi việc bạn có thể để người đang có ý định tự tử nhận được sự trợ giúp cần thiết. Hãy động viên anh/cô ấy đi khám tâm lý và đưa họ đến cuộc hẹn.

Theo dõi quá trình điều trị: Nếu bác sĩ kê thuốc, hãy chắc chắn là người thân hoặc bạn bè của bạn uống đúng như chỉ dẫn. Hãy lưu ý các tác dụng phụ và thông báo ngay cho bác sĩ nếu tình trạng của anh/cô ấy xấu đi.

Chủ động: Những người định tự tử không tin rằng họ có thể tìm được sự giúp đỡ, bởi vậy sự chủ động của bạn rất có giá trị. Đừng nói với họ "hãy gọi tôi nếu có gì cần", như thế quá chung chung. Không nên chờ họ lên tiếng mà hãy tự đến với họ.

Khuyến khích lối sống lành mạnh: Hãy giúp những người này ăn uống đầy đủ, ngủ đủ, ra ngoài tắm nắng hay đi dạo ít nhất 30 phút mỗi ngày. Thể dục cũng rất tốt vì giúp cơ thể giảm stress và tăng cảm xúc tích cực.

Lên kế hoạch an toàn: Tránh để người có ý định tự tử chịu mất mát, lạm dụng rượu hoặc stress từ các mối quan hệ. Cung cấp số điện thoại của gia đình và bạn bè họ cho bác sĩ để tiện liên lạc nếu có vấn đề xảy ra.

Vứt bỏ các vật dụng nguy hiểm: Hãy đảm bảo không có thuốc ngủ, dao, dao cạo râu, vũ khí ở gần người đang trong cơn khủng hoảng. Thuốc cũng nên được cất kín và chỉ đưa cho họ lúc cần thiết. Tốt nhất không để họ ở một mình.

Tiếp tục hỗ trợ về lâu dài: Ngay cả khi ý định tự tử qua đi, hãy tiếp tục giữ liên lạc với những người này và thỉnh thoảng ghé thăm để đảm bảo mọi chuyện vẫn ổn. Điều này rất quan trọng cho quá trình phục hồi của họ.

Minh Nguyên



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.